Chăm sóc trẻ mọc răng sữa như thế nào


Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những thời điểm mọc răng không giống nhau. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì các giai đoạn mọc răng cũng làm trẻ tương đối khó chịu. Bố mẹ nên biết cách chăm sóc chính xác khi trẻ bắt đầu nhú lên những chiếc răng sữa đầu tiên để mỗi một giai đoạn phát triển của con yêu đều trải qua thật nhẹ nhàng và dễ chịu.

Biểu hiện mọc răng của trẻ

bb

Trong những ngày mọc răng, trẻ nhỏ sẽ có những biểu hiện cơ thể rất rõ nét. Vì vậy, bố mẹ hoàn toàn có thể quan sát và nhận ra được.

  • Một số trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ.
  • Nước dãi chảy nhiều hơn do sự kích thích của răng.
  • Nổi nhiều mẩn đỏ bên dưới cằm: do sự chảy dãi liên tục, tiếp xúc với vùng da dưới cằm, thậm chí lan đến cổ.
  • Ho: việc thiếu kiểm soát khi nuốt nước bọt chảy ra do răng nhú lên sẽ làm trẻ ho nhẹ.
  • Thích nhai cắn: khi những mầm răng muốn nhú lên sẽ kích thích gây ngứa lợi (nướu răng), do đó trẻ sẽ thích nhai cắn đồ vật hoặc chính ngón tay, ngón chân của mình.
  • Chán ăn: đây là biểu hiện thường thấy nhất khi trẻ mọc răng. Bởi mầm răng muốn nhú lên sẽ làm trẻ đau và việc nhai nuốt thức ăn sẽ làm cơn đau nhiều hơn. Do đó, trẻ biếng ăn trong những thời điểm này là hoàn toàn dễ hiểu.

Cách chăm sóc trẻ mọc răng

â

Chế độ ăn uống

Vào những thời điểm mọc răng, trẻ có thể bỏ ăn do những khó chịu từ các mầm răng tạo nên. Lúc này, quan trọng là mẹ phải kiên nhẫn, hiểu trẻ và chế biến các món ăn thích hợp để trẻ dễ hợp tác.

  • Dinh dưỡng hợp lý, không ăn thức ăn thô cứng đòi hỏi sự vận động nhai của hai hàm quá nhiều. Thay vào đó, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, uống nhiều sữa.
  • Không nên cho trẻ ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, tốt nhất là thức ăn có độ ấm vừa phải để giảm cơn đau ở nướu răng.
  • Bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi và cho bú càng nhiều càng tốt.

Chăm sóc răng miệng

Vào giai đoạn mọc răng, các vấn đề răng miệng của trẻ phải đặc biệt chú ý. Mẹ phải thường xuyên lau sạch nước dãi quanh miệng và vùng da xung quanh cằm, dưới cổ bằng khăn mềm. Việc làm này vừa giúp đảm bảo vệ sinh, tránh gây mẩn đỏ trên da, vừa bảo vệ trẻ khỏi nhiều vi khuẩn có hại đến răng miệng.

Ngoài ra, trẻ phải được rơ miệng bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý đều đặn hằng ngày sau khi thức dậy. Đồng thời, sau mỗi lần ăn uống, mẹ phải lau sạch miệng và cho trẻ uống một chút nước sôi để nguội.

Vấn đề vệ sinh khác

cc

Trẻ sẽ rất thích nhai cắn nhiều đồ vật để giảm cảm giác ngứa lợi. Do đó, tay chân và tất cả các vật dụng nằm trong tầm với của trẻ đều phải đảm bảo vệ sinh 100%. Tránh trường hợp trẻ tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh như tiêu chảy, sẽ rất khó kiểm soát vì dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của quá trình mọc răng.

Mẹ có thể nhanh trí sử dụng các dụng cụ hỗ trợ mọc răng cho trẻ thoải mái nhai cắn mà không ảnh hưởng đến sự định hình và phát triển của hai hàm. Một chiếc khăn ướp lạnh sẽ rất hiệu quả để giảm sự đau nhức bên dưới lợi của trẻ.

Chăm sóc trẻ mọc răng sữa thật sự không khó. Tùy trẻ mà các mức độ đáp ứng với cơn đau do mọc răng sẽ khác nhau. Do đó, mẹ không nên quá hoang mang khi con yêu bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu mọc răng đầu tiên.