Kinh nghiệm nuôi dạy trẻ tốt


Mỗi đứa trẻ khác nhau sẽ có tính cách khác nhau và các giai đoạn, các thời điểm phát triển cũng không tương đồng. Do đó, để nuôi dạy trẻ thật tốt, bố mẹ cần tự xây dựng cho mình những bí quyết riêng. Với các gợi ý dưới đây, nuoicuti.com sẽ đúc kết một số kinh nghiệm chủ chốt trong hành trình nuôi dưỡng và định hình thói quen cũng như tính cách cho trẻ.

Không thỏa hiệp

1

Thỏa hiệp chưa bao giờ là điều nên làm khi con trẻ vòi vĩnh hoặc bướng bỉnh, không chịu vâng lời.

Nếu đòi hỏi của trẻ hợp lý, hãy cho trẻ thấy rằng nó xứng đáng nhận được điều đó.

Nếu trẻ yêu cầu những điều không thuộc phạm vi cho phép, bố mẹ tuyệt đối không được nhân nhượng để làm vừa lòng trẻ. Bởi hành động này về lâu dài sẽ làm nảy sinh tâm lý đua đòi, thậm chí trẻ sẽ tỏ thái độ phản kháng khi không được như ý.

Khen thưởng

Trẻ nhỏ luôn rất thích khi được khen. Đó là tâm lý hoàn toàn dễ hiểu. Do đó, khi con yêu có những biểu hiện hoặc hành vi tích cực, bố mẹ đừng tiếc những lời khen tặng. Hành động này có tác dụng gây dựng sự tự tin và cả lòng tự trọng cho trẻ trong tương lai.

Ngoài ra, chính những lời khen thưởng đúng mực và hợp lý còn giúp trẻ ngầm hiểu đó là điều nên làm. Và trẻ sẽ dần tự ý thức được những việc tốt cần thực hiện trong cuộc sống tương lai.

Hình thành thói quen tốt

11 1

Thói quen tốt sẽ hình thành tính cách tốt. Vì vậy, để hướng con yêu đến lối sống tích cực thông qua tính cách, văn hóa ứng xử,….. thì bố mẹ cần tập cho trẻ những thói quen tốt ngay khi còn nhỏ.

Điều đơn giản nhất mà bố mẹ có thể huân tập cho trẻ là lịch sinh hoạt ổn định hằng ngày: giờ ngủ- thức, giờ ăn, giờ vui chơi giải trí,…. Thông qua đó, trẻ sẽ tự thiết lập nên một đồng hồ sinh học xuyên suốt. Việc này vừa xây dựng thói quen cho trẻ, vừa góp phần mang lại sức khỏe ổn định trong hiện tại và tương lai.

Nhất quán về kỷ luật

Khi trẻ đúng, hãy khen thưởng! Vậy, khi trẻ sai, hãy áp dụng hình phạt hợp lý!

Điều quan trọng khi giáo dục trẻ là phải có sự nhất quán trong quan điểm của các đối tượng chăm sóc trực tiếp, bao gồm ông bà, bố mẹ. Hãy đảm bảo tất cả mọi người trong gia đình đều sẽ hướng trẻ đi theo một chuẩn mực nhất định, tránh sự xáo trộn và không thống nhất. Bởi điều đó sẽ làm phát sinh sự chống đối và khó tiếp thu ở trẻ.

Lắng nghe và giải thích

12

Một trong những yếu tố quan trọng khi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ là “luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng giải thích”.

Bố mẹ nên hiểu rằng, rất nhiều hành động của trẻ không được xếp vào nhóm sai phạm. Bởi trẻ không cho rằng hành vi đó là sai. Chỉ đơn giản, trẻ đang từng ngày tìm tòi, khám phá và chứng tỏ sự tiếp nhận thông tin từ môi trường bên ngoài.

Do đó, bố mẹ phải luôn tự kiềm chế bản thân để lắng nghe nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và giải thích cho trẻ hiểu điều đó là sai hay đúng. Dần dần trẻ sẽ hiểu và tiếp thu, ghi nhớ để không còn tái phạm.

Xây dựng khái niệm “trách nhiệm”

Trẻ nhỏ cũng phải có trách nhiệm với những việc mình làm. Đó là điều quan trọng mà bố mẹ phải ghi nhớ.

Với một số ông bà, khi trẻ vấp ngã, điều đầu tiên là đổ tội cho các sự vật chung quanh như cái bàn, cái ghế,…… Lâu dần, trẻ sẽ không ý thức được đâu là đúng, đâu là sai và nảy sinh thói quen “đổ thừa”.

Như vậy, để đảm bảo trẻ sẽ tự tiếp thu được những bài học và kinh nghiệm cần thiết, hãy cho trẻ biết sự thật, biết tự nhận trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, bố mẹ tuyệt đối nên tránh áp đặt khi trẻ hoàn toàn không mắc lỗi, tránh gây sự áp chế trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục con yêu.

Với một số chia sẻ đã được nuoicuti.com đúc kết ở trên, bố mẹ có thể tự hình thành cho mình các thói quen nuôi dạy trẻ sao cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của gia đình và tạo dựng tương lai thật tuyệt vời cho trẻ. Chúc bố mẹ thành công!