Bảo vệ trẻ khỏi các bệnh giao mùa


Giao mùa là thời điểm phát sinh rất nhiều loại bệnh khác nhau, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ vốn có sức đề kháng yếu. Do đó, bố mẹ cần quan tâm chăm sóc con yêu một cách tốt nhất để tránh những căn bệnh đó cho trẻ.

Bệnh sốt xuất huyết

12345

Đây là một trong những bệnh thoạt nghe thì đơn giản nhưng thực tế lại rất nguy hiểm cho sức khỏe mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh.

Bố mẹ nên đảm bảo con yêu luôn được ngủ trong mùng, sinh hoạt vui chơi ở những không gian thoáng. Đồng thời vấn đề vệ sinh nhà cửa, khai thông cống rãnh cũng là điều đáng để chú ý. Không có môi trường để sinh sôi thì muỗi sẽ khó lòng phát triển và gây bệnh.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt cao và kéo dài trên 39 độ, đau nhức đầu, phát ban….. thì nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết và đưa đến các cơ sở ý tế càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

Bệnh Tay- chân- miệng

Đây là một trong những căn bệnh phổ biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Đặc biệt vào thời điểm chuyển mùa, bệnh dễ phát sinh và lây lan hơn.

Một số biểu hiện cụ thể của bệnh bao gồm: sốt, nổi mụn nước trong miệng, lòng bàn tay và lòng bàn chân; một số trẻ còn ghi nhận các nốt mụn nước trên mông. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị ho, đau họng, đau bụng. Các triệu chứng này thường kéo dài 12-48 giờ và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của trẻ nhỏ.

Bố mẹ nên lưu ý luôn giữ vệ sinh tuyệt đối cho trẻ trong mọi hoạt động và vấn đề ăn uống, vui chơi. Đặc biệt, các dụng cụ ăn dặm, bình sữa của trẻ phải được rửa sạch và tiệt trùng thật kỹ trước khi sử dụng.

Tiêu chảy

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường có hệ thống các cơ quan chưa hoàn thiện nên khả năng mắc phải các virus tiêu chảy luôn cao hơn người lớn. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút. Các bệnh tiêu chảy khác cần phải được phòng trừ thông qua vấn đề vệ sinh ăn uống, vệ sinh cơ thể và tất cả các vật dụng tiếp xúc hằng ngày mà trẻ có thể đưa vào miệng.

Dấu hiệu bệnh: trẻ biếng ăn,khó tiêu, phân lỏng, đi nhiều lần, có mùi chua, màu vàng xanh, có bọt hoặc nhầy; trường hợp nặng có thể xuất hiện máu lẫn trong phân. Khi nhận thấy các dấu hiệu này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám ngay lập tức.

Cảm sốt

Đây là một trong những nhóm bệnh phổ biến và dễ mắc phải nhất khi thời tiết chuyển mùa. Trẻ dễ bị nhiễm lạnh từ gió, nước và bắt đầu ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi kèm theo nóng sốt.

Để phòng bệnh, tốt nhất bố mẹ nên giữ ấm cho trẻ, hạn chế tiếp xúc môi trường lạnh đột ngột, đồng thời áp dụng một số phương pháp dân gian như: ăn dầu hành tăm (củ nén), cháo tía tô,….. để tăng khả năng phòng bệnh hiệu quả.

Với những lưu ý trên, việc phòng tránh bệnh cho trẻ vào thời điểm giao mùa trong năm thực sự không quá khó khăn.

Exit mobile version