Nên lựa chọn phương pháp ăn dặm nào?


Hiện nay có khá nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau. Tùy theo định hướng chăm sóc, nuôi dưỡng và điều kiện thực tế của mỗi gia đình mà mẹ có thể lựa chọn phương pháp thích hợp cho con yêu. Dưới đây là 3 phương pháp ăn dặm hiện được lựa chọn và ứng dụng rộng rãi nhất.

Ăn dặm truyền thống

n3

Đây là cách ăn dặm hiện đã và đang được áp dụng nhiều nhất với cách dùng thìa đút từng muỗng thức ăn cho trẻ. Các món ăn của bé đều được xay hoặc nấu thật nhuyễn với sự kết hợp của cháo và rau củ, thịt cá.

Ưu điểm:

  • Đơn giản, tiện lợi.
  • Tiết kiệm được thời gian chế biến và cho ăn.
  • Đảm bảo được lượng thực phẩm mong muốn cung cấp cho con trẻ trong một lần ăn.

Nhược điểm:

  • Trẻ ăn một cách hoàn toàn thụ động.
  • Khả năng nhận biết và phân biệt mùi vị của các thực phẩm khác nhau là rất kém.
  • Khó phân biệt được thực phẩm gây dị ứng vì sự kết hợp quá nhiều loại trong cùng một món.
  • Nảy sinh tâm lý biếng ăn theo thời gian.

Ăn dặm kiểu Nhật

Là phương pháp hướng đến việc kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt và có khả năng nhận biết mùi vị cũng như sự nhất quán trong ăn uống bao gồm cả giờ giấc, cách thức và vị trí diễn ra bữa ăn.

Mức độ đặc loãng của thức ăn đặc biệt được chú trọng theo tỷ lệ chuẩn tương ứng với tháng tuổi sao cho các bé có thể hấp thu tốt nhất.

Ưu điểm:

  • Không gây cảm giác nhàm chán cho bé khi thưởng thức món ăn.
  • Kích thích vị giác hiệu quả và nhận biết được mùi vị nhiều loại thực phẩm khác nhau.
  • Hình thành phản xạ và kỹ năng nhai, từ đó có thể ăn thô sớm.
  • Trẻ tự chủ hơn trong việc ăn uống.

Nhược điểm:

  • Mất nhiều thời gian để chuẩn bị và cho ăn.
  • Tốn nhiều chi phí hơn.
  • Trẻ thường không ăn được nhiều.

Ăn dặm Tự chỉ huy

Là một phương pháp từ phương Tây được đánh giá khá cao nhưng không nhiều mẹ dám thực hiện bởi lo lắng về mức độ nguy hiểm của nó khi chưa nắm rõ bản chất phương pháp.

Theo phương pháp này, trẻ sẽ hoàn toàn tự ăn một cách đúng nghĩa. Thực phẩm sẽ được chế biến thật mềm và trẻ có thể dùng tay để tự bốc ăn dưới sự hướng dẫn của người lớn.

Ưu điểm:

  • Trẻ chủ động tuyệt đối trong việc ăn uống.
  • Nâng cao khả năng nhận biết mùi vị các loại thực phẩm.
  • Tạo sự thích thú, phấn khởi trong suốt giai đoạn ăn dặm.
  • Khả năng ăn thô hình thành sớm hơn.

Nhược điểm:

  • Lượng thức ăn nạp vào không nhiều.
  • Trẻ dễ bị nghẹn khi chưa có răng và kỹ năng nhai.
  • Mất nhiều thời gian dọn dẹp.

Tùy theo mỗi trẻ, mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau mà mẹ có thể lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp với con yêu. Điều quan trọng là trẻ có thể nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển đồng thời hình thành được một số kỹ năng nhai nuốt và phân biệt mùi vị tương đối. Hãy để giai đoạn ăn dặm của trẻ trôi qua thật nhẹ nhàng và đầy ý nghĩa.

 

Exit mobile version