Trẻ nhỏ thường hiếu động bởi cá tính muốn khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. Thi thoảng, trẻ có thể té ngã rồi nhanh chóng tự mình đứng dậy, tiếp tục vui chơi. Nhưng cũng có lúc trẻ ngã mạnh, đầu va vào tường, xuống nền hoặc đập vào vật cứng, gây đau đớn, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy, mẹ cần xử lý thế nào khi thấy con yêu ngã và đầu bị đập mạnh?
Không nên lập tức đỡ trẻ dậy
Trường hợp các bé chỉ té ngã khi đang chạy nhảy thì việc nâng trẻ lên dỗ dành là điều hết sức bình thường. Nếu trẻ ngã từ trên ghế hoặc giường cao xuống đất, bố mẹ hãy bình tĩnh. Các bé thường sẽ tự lồm cồm ngồi dậy, khi ấy bố mẹ hãy đến ôm con dỗ dành và kiểm tra chấn thương. Việc bế xốc trẻ lên quá nhanh khi vừa ngã có thể khiến trẻ thêm hoảng sợ, bên cạnh đó có thể gây những tác động không tốt đến xương của trẻ làm cho chấn thương càng nặng hơn nếu chẳng may trẻ bị trật khớp tay, khớp chân…..
Kiểm tra dấu vết va đập
Trước khi quyết định áp dụng phương pháp sơ cứu thích hợp, bố mẹ hãy cẩn thận kiểm tra dấu vết va đập: màu sắc, độ sưng, có vết trầy da hay vết thương hở không, vết thương có chảy máu?….. Sau đó, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vị trí va đập mà áp dụng phương pháp sơ cứu tốt nhất, hạn chế tối đa cơn đau cũng như những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và vết thương của trẻ.
Chườm đá chỗ sưng đau
Một lưu ý mà nhiều bố mẹ hay mắc phải là thường sử dụng dầu thoa vào vị trí va đập. Đây là cách làm cũ, đã nhận được không ít phân tích sự không phù hợp của nó. Do đó, thay vì sử dụng dầu nóng các loại, hãy dùng nước đá chườm lên vết va đập. Việc làm này vừa giúp giảm được độ sưng, giảm đau nhanh chóng vừa có tác dụng hạn chế tốc độ dòng chảy của máu trong khu vực tiếp xúc hơi lạnh.
Theo dõi biểu hiện trẻ
Nếu sau khi ngã, trẻ có một số biểu hiện nghiêm trọng như sốt cao đột ngột, thiếu tỉnh táo, ngủ li bì, gọi không dậy, tiểu tiện không kiểm soát, đột ngột đi loạng choạng….. thì bố mẹ nên lập tức cho trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám và theo dõi kỹ lưỡng, đề phòng những biến chứng không tốt do cú va đập tác động đến các cơ quan thần kinh.
Với một số lưu ý trên đây, nuoicuti hy vọng có thể giúp ích bố mẹ trong việc xử lý vết thương va đập khi té ngã của trẻ một cách tốt nhất.