“Lời chào cao hơn mâm cỗ”, ông bà ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của lời chào hỏi trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, việc chào hỏi lễ phép góp phần định hình tích cách và lối sống tích cực trong tương lai. Vậy, nên hướng dẫn trẻ chào hỏi như thế nào cho đúng?
Làm gương cho trẻ
Bố mẹ là tấm gương gần gũi nhất, cụ thể nhất mà bất kỳ đứa con nào cũng có thể học theo. Do đó, cách tốt nhất để rèn luyện và tập cho trẻ thói quen chào hỏi là chính bố mẹ phải thực hiện điều đó cho trẻ thấy.
Khi gặp hàng xóm láng giềng, bạn bè,…. bố mẹ nên chủ động gửi lời chào và hành động cúi đầu kèm theo nếu đối tượng lớn tuổi hơn. Nếu trẻ thường xuyên được chứng kiến những hành vi đó sẽ hình thành nên phản xạ và thói quen tốt trong tương lai.
Hướng dẫn trẻ chào hỏi
Bên cạnh việc làm gương, bố mẹ nên hướng dẫn cho con yêu cách vòng tay, cúi đầu và chào hỏi người lớn khi gặp mặt. Cùng với đó là việc giải thích ý nghĩa của lời chào bằng những dẫn dắt gần gũi và dễ hiểu nhất. Tuy nhiên, dù mong muốn con yêu sớm hình thành sự lễ phép, tôn trọng với mọi người chung quanh thì bố mẹ cũng không nên quá thúc ép. Hãy cho trẻ thời gian để làm quen và thích nghi với bài học mới từng ngày.
Kiên nhẫn với trẻ
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất mà bất kỳ bố mẹ nào cũng nên có trong quá trình nuôi dạy và hướng dẫn trẻ, cụ thể là việc rèn luyện thói quen chào hỏi, đó là sự kiên nhẫn.
Khi thấy trẻ chưa chịu chào hỏi, chưa vâng lời, đừng vội vàng hoặc tỏ ra nóng nảy hay chê bai trẻ. Các bé còn quá nhỏ để có thể ý thức trọn vẹn ý nghĩa của việc chào hỏi. Bố mẹ hãy nhẹ nhàng khuyên bảo và giúp trẻ nhận ra niềm vui của việc chào hỏi mà mọi người cũng như chính bản thân trẻ sẽ nhận được.
Không so sánh
Việc so sánh con yêu với những đứa trẻ cùng trang lứa chưa bao giờ là điều nên làm, dù trong bất cứ khía cạnh nào, bao gồm học lực, tính cách, sự vâng lời,….. Mỗi đứa trẻ có một chuẩn phát triển riêng. Các giai đoạn, quá trình và môi trường để hình thành nhân cách của mỗi trẻ cũng không giống nhau. Bố mẹ nên hiểu rằng trẻ luôn cần có thời gian để hình thành và phát triển bất kỳ kỹ năng hoặc thói quen nào trong cuộc sống.
Hãy cho con yêu thời gian và sự thoải mái khi tiếp nhận những bài học mới. Việc so sánh trẻ với bạn bè chỉ làm tình hình xấu hơn và vô hình chung bố mẹ đang khiến trẻ cảm thấy tự ti hơn trong tương lai khi cảm thấy thua kém bạn bè.
Như vậy, việc tập cho trẻ chào hỏi tuy khó mà dễ, dễ mà khó. Là bố mẹ, trước hết phải tự rèn cho mình thói quen kiên nhẫn, chịu khó và nắm được các phương pháp hướng dẫn hợp lý, chính xác. Nuoicuti.com tin rằng mỗi đứa trẻ đều ngoan, đều giỏi nếu được huân tập đúng cách.