Mùa hè nắng nóng, trẻ nhỏ dễ bị rôm sảy, gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Để trị dứt điểm tình trạng này và vẫn đảm bảo sức khỏe, thẩm mỹ cho các bé, mẹ có thể tham khảo một số thông tin hữu ích dưới đây.
Nguyên nhân xuất phát bệnh rôm sảy
Rôm sảy đa phần do các ống tuyến mồ hôi của trẻ chưa thực sự hoàn chỉnh, dễ bị tắc nghẽn. Cùng với đó là làn da còn quá mỏng manh, khiến cho mồ hôi khó thoát ra ngoài hơn người lớn, gây nên tình trạng rôm sảy mẩn ngứa, đặc biệt ở vùng lưng, cổ, ngực, thậm chí ở những kẻ nách, háng.
Cách trị rôm sảy hiệu quả
Có rất nhiều phương pháp dân gian có thể áp dụng để điều trị rôm sảy hiệu quả cho bé bằng những nguyên liệu vô cùng dễ kiếm. Sử dụng những nguyên liệu này, mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về sức khỏe cũng như tính thẩm mỹ cho bé yêu của mình
1. Mướp đắng (khổ qua)
Không chỉ được sử dụng làm nên những món ăn yêu thích, trái mướp đắng còn là vị thuốc hữu hiệu trong việc điều trị các bệnh ngoài da, đặc biệt là rôm sảy cho trẻ.
Cách làm rất đơn giản, mẹ chỉ cần dùng 2 quả mướp đắng cỡ vừa, rửa sạch, ngâm sơ với nước muối khoảng 5 phút rồi đem xay hoặc giã nát. Sau đó lọc bỏ bã và dùng phần nước thu được để tắm cho bé. Kiên trì áp dụng vài lần, mẹ sẽ thấy tình trạng rôm sảy được cải thiện rõ rệt.
2. Lá kinh giới
Mẹ có thể tìm mua lá kinh giới rất dễ dàng tại những hàng rau ngoài chợ. Để sử dụng hiệu quả, mẹ hãy giã nát khoảng một nắm lá kinh giới đã rửa sạch với nước muối, dùng phần nước cốt thu được (sau khi đã lọc bỏ bã) để hòa với nước tắm cho bé.
Hoặc mẹ có thể phơi khô lá kinh giới và dùng nhiều lần. Mỗi lần tắm chỉ cần lấy 1 nắm lá khô, cho vào nồi đun sôi rồi pha nước tắm cho con yêu.
3. Lá khế
Là một trong những phương pháp được áp dụng rộng rãi nhằm trị bệnh mẩn ngứa, rôm sảy cho nhiều đối tượng, từ trẻ em đến người lớn, lá khế là sự lựa chọn an toàn và vô cùng lý tưởng.
Mẹ hãy lấy 1 nắm lá khế tươi, rửa sạch kỹ, bỏ đi phần gân cứng, giã nát hoặc xay với một chút muối, sau đó lọc lấy nước cốt để pha vào chậu nước tắm cho bé. Tuy đơn giản nhưng hiệu quả mà nguyên liệu này mang lại sẽ khiến mẹ ngạc nhiên vô cùng.
Mẹ nên lưu ý, những biện pháp trên tuy hiệu quả nhưng không phải tình trạng rôm sảy nào cũng có thể áp dụng. Nói cách khác, khi da trẻ đã bị trầy xước hoặc mưng mủ, lớp màng bảo vệ bên ngoài đã mất đi, việc tắm bằng các loại lá không những không hiệu quả mà còn dễ gây nguy cơ vi khuẩn xâm nhập sâu hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, mẹ cần thật sáng suốt khi quyết định lựa chọn bất kỳ phương pháp nào để điều trị rôm sảy cho bé yêu.