Phải làm gì khi trẻ không vâng lời?


Trẻ bướng bỉnh, không vâng lời khiến bố mẹ căng thẳng và bực dọc? Bố mẹ nên làm gì để khắc phục và thay đổi tình trạng này? Với những gợi ý dưới đây, trẻ sẽ dần ngoan hơn và bố mẹ cũng cảm thấy thật dễ dàng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Thường xuyên trò chuyện cùng trẻ

nct3 2

Với các trẻ còn quá nhỏ, chưa hiểu được đâu là mối nguy hại hoặc những việc không được phép làm bởi tính cách thích khám phá, ưa tìm tòi mọi thứ chung quanh. Còn những trẻ lớn hơn, đôi khi các bé rơi vào các giai đoạn khủng hoảng tâm lý, hình thành tính cách và bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, trong đó có môi trường nhà trẻ, trường học và bạn bè đồng lứa.

Việc trò chuyện với con vừa giúp gắn kết hiệu quả tình cảm của người chăm sóc với trẻ, vừa có tác dụng giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh, dẫn đến hành vi nghịch ngợm, bướng bỉnh của trẻ. Từ đó, bố mẹ có thể dễ dàng “rót mật vào tai”, cho con biết đâu là đúng, đâu là sai. Và dĩ nhiên, không có lý do gì mà trẻ không đổi thay tích cực hơn. Bởi trẻ nhỏ là lứa tuổi tiếp thu và hình thành tính cách, hành vi rõ rệt nhất, mạnh mẽ nhất.

Không nên quát mắng trẻ

nct1

Trẻ nhỏ thường ghi lại những dấu ấn tâm lý rất sâu sắc. Do đó, nếu trẻ thường xuyên bị bố mẹ quát mắng sẽ dẫn đến tình trạng sợ hãi, lo lắng. Lâu dần, việc hình thành nên cảm giác thiếu tự tin và những ám ảnh tinh thần là tất yếu xảy đến cho các bé.

Ngoài ra, một số phụ huynh thay vì không quát mắng lại quay sang hù dọa trẻ. Việc làm này những tưởng có thể mang lại tác dụng tích cực nhưng thực tế nó chỉ hiệu quả trong 1,2 lần đầu. Về sau, trẻ sẽ dần nhận ra điều đó hoàn toàn không có thực và tiếp tục tỏ thái độ sai phạm, thậm chí sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trước.

Tuyệt đối không nói dối trẻ

nct 3

Một số ông bà thường dỗ dành trẻ theo cách xưa với nhiều lời hứa hẹn về đồ chơi, món ăn,….. Việc làm này hoàn toàn phản khoa học trong cách nuôi dạy trẻ. Nếu trẻ bướng bỉnh, hãy khuyên bảo và áp dụng hình phạt hợp lý khi cần thiết. Bố mẹ tuyệt đối không nên hứa hẹn rồi không thực hiện. Bởi việc này sẽ làm trẻ dần mất đi sự tin tưởng vào người lớn. Không những vậy, chính trẻ cũng có khả năng trở thành người thường xuyên nói dối trong tương lai bởi sự huân tập từng ngày từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà bố mẹ vẫn gieo vào tâm trí khi còn nhỏ.

Khích lệ khi trẻ tiến bộ

Yếu tố khích lệ là cực kỳ quan trọng với bất kỳ trẻ nào, bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu trẻ không ngoan, bố mẹ có thể phạt úp mặt vào tường, không nói chuyện, không đồ chơi. Ngược lại, khi trẻ tiến bộ và có những biểu hiện tích cực, đừng tiếc một lời khen ngợi, khích lệ và động viên trẻ tốt hơn trong tương lai. Tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng điều này mang lại tác dụng cực kỳ to lớn trong việc định hướng cho trẻ theo điều tốt.

Không có gì là không thể kiềm chế cảm xúc trong quá trình nuôi dạy trẻ. Bởi đây là đối tượng ngây thơ nhất, dễ học hỏi, dễ tiếp thu và huân tập nhất. Nuoicuti chúc cho tất cả bố mẹ đều thông thái xử lý các tình huống bướng bỉnh của trẻ thật hiệu quả.