Giai đoạn mọc răng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường ghi nhận nhiều dấu hiệu phản ứng của cơ thể. Trong số đó có những phản ứng được xem là nguy cơ, cần được theo dõi, quan sát thật kỹ để có cách can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Biểu hiện mọc răng ở trẻ
Khi bước vào giai đoạn mọc răng, trẻ sơ sinh thường có những biểu hiện rất dễ dàng nhận thấy như sau:
Trẻ mệt mỏi, dễ quấy khóc hơn bình thường.
Ít ngủ, dễ kích động vì sự khó chịu khi mầm răng nhú lên.
Hay chảy nước bọt.
Xảy ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, thay đổi cấu trúc phân và dễ bị bệnh hơn.
Nướu sưng đỏ
Trẻ hay đưa tay vào miệng hoặc gặm các đồ vật trong tầm tay để đáp ứng lại cơn ngứa của nướu.
Trẻ có thể bị viêm nướu, biếng ăn dẫn đến sụt cân.
Nguy cơ không mong muốn khi trẻ mọc răng
Trong số những biểu hiện sinh lý rất đỗi bình thường kể trên, một số trẻ không may gặp phải các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sốt và sốt cao: sốt là một phản ứng rất bình thường của cơ thể trẻ nhỏ khi mọc răng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ có thể sốt cao và kéo dài. Điều này vô hình chung làm trẻ càng biếng ăn hơn, dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng khác. Bố mẹ nên quan sát và chú ý thật cẩn thận khi thấy con yêu có dấu hiệu sốt bất thường.
Một số trẻ chảy nhiều nước bọt hơn bình thường mà không kịp nuốt hoặc chảy ra ngoài, kết hợp với đờm dãi trong cổ họng dẫn đến nguy hiểm về đường thở, không phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Cách chăm sóc trẻ mọc răng
Để giai đoạn mọc răng của trẻ trôi qua nhẹ nhàng, ít đau đớn nhất, tốt nhất bố mẹ nên lưu ý cách chăm sóc theo gợi ý sau:
Luôn giữ vệ sinh cơ thể trẻ và không gian xung quanh nơi trẻ ăn, ngủ, vui chơi.
Chế biến thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu.
Cho trẻ uống đủ nước.
Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ để có thể kiểm soát kịp thời.
Cho trẻ đi thăm khám tại bác sĩ khi thấy các dấu hiệu bất thường kèm theo.
Với những lưu ý trên, mẹ nên cẩn trọng khi chăm sóc trẻ mọc răng. Đó có thể là một trong những biểu hiện sinh lý phát triển bình thường nhưng cũng có xác suất gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe con yêu.